DU HỌC MỸ - CUỘC DẠO CHƠI NƠI XỨ CỜ HOA HAY MỘT KHOẢN ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC - ansedu

DU HỌC MỸ – CUỘC DẠO CHƠI NƠI XỨ CỜ HOA HAY MỘT KHOẢN ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC

Mỗi khi nhắc đến việc đi du học của tôi, trong nhà tôi luôn xảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt giữa ba và mẹ. Mẹ thì cho rằng du học chỉ khổ con mình, xa nhà, xa quê hương, rồi khả năng lớn lại phải về nước làm việc với đồng lương không xứng đáng, mà không về thì coi như bà mất con. Ba tôi thì lại nghĩ khác, ông tự tin con mình khi sang nước ngoài sẽ học được cách trở thành một người tốt hơn, mạnh dạn, chủ động, bản lĩnh và tự tin hơn. Ông hay nói với tôi “con là một khoản đầu tư chiến lược và dài hạn của ba, ba sẽ hy sinh đời mình để củng cố đời con.”  

Quay cuồng trong những ý kiến trái chiều

Đã 5 năm trôi qua kể từ câu nói ấy của ba tôi. Lúc tôi tạm biệt cả nhà trong tiếng khóc, trong những giọt nước mắt của mẹ tôi và ánh nhìn đầy tự hào của ba tôi. Tôi đã khăn gói lên đường sang Mỹ du học tại đại học NorthEastern thành phố Boston bang Massachusetts Mỹ và bây giờ là lúc tôi trở về thăm gia đình kết hợp với tránh dịch Covid-19. Ngồi trên chuyến bay hồi hương, tôi lại nhớ về câu nói đó của ba tôi, nhớ về những ngày mình mới bắt đầu cuộc hành trình này – một hành trình gian khổ nhưng hoàn toàn xứng đáng.

Nhớ về khoảng thời gian trước khi quyết định đi du học Mỹ, tôi – một chàng trai 17 tuổi đang là học sinh cấp 3 tại một trường THPT ở Hà Nội – lên mạng tìm hiểu và hỏi han rất nhiều người thân bạn bè về một nước Mỹ xa lạ mà tôi chưa từng đặt chân đến; cuộc sống ở đó thế nào, chất lượng giáo dục có tốt không, có gì vui hay có khó khăn gì không, mình sắp đi du học thì trường học ở đó thế nào, người dân có kỳ thị người châu Á không,… Vô vàn câu hỏi hiện lên trong đầu tôi mà tôi muốn hỏi càng nhiều càng tốt, nhưng lạ lùng thay, mọi người khi nghe tôi hỏi xong thì đều chỉ hỏi lại một câu duy nhất “Vậy sau khi du học xong, dự định của tôi là thế nào? Tìm cơ hội ở lại hay về nước làm việc?” Và đó cũng là câu hỏi của mẹ tôi khi nghe tôi quyết định sang Mỹ du học.

Tôi không trả lời được câu hỏi đó nhưng sau khi hỏi xong thì mọi người lại nói với tôi rất nhiều. Người thì nói rằng xứ Mỹ là thiên đường của cơ hội, một sân chơi công bằng và là nơi đào tạo ra nhiều doanh nhân, người nổi tiếng, triệu phú, tỷ phú nhất thế giới. Không có một thị trường nào lớn và năng động như nước Mỹ, thu nhập trung bình cao, phúc lợi xã hội tốt, tự do nói lên quan điểm suy nghĩ của mình,…Phải nói rằng không có nơi nào “ngon lành” hơn nước Mỹ nên hãy tìm cách mà đến và ở lại. Cũng có những người thì lại nói rằng du học làm gì cho mất công mất việc, tốn thời gian tiền bạc mà kết quả chưa chắc được như ý muốn, rằng du học sinh tại Mỹ khó khăn vất vả như thế nào, khó kiếm học bổng ra sao cho đến khi ra trường cũng không thể cạnh tranh nổi với dân bản địa hoặc lao động Trung Quốc, Ấn Độ. Quy định nhập cư cũng ngày càng bị siết chặt và khó khăn hơn rất nhiều, để rồi khi về nước thì lại không thể hòa nhập được với thị trường lao động Việt Nam, vậy là tất cả đổ sông đổ bể, 4 năm du học sẽ chỉ như một cuộc dạo chơi đắt đỏ mà thôi.

Tôi quay cuồng giữa những ý kiến trái chiều đó, “đi” hay là “không” ?

Chương trình Shark Tank tại gia và “quyết định đầu tư” của Shark Daddy

Trong cơn quay cuồng của bản thân, ba chính là người đã kéo tôi ra khỏi đó, ba nói chuyện với tôi nhiều ngày liền, về những ước mơ còn dang dở của ba, về mong muốn tôi được học hành đến nơi đến chốn, được mở mang đầu óc, phát triển tính tự lập để có lo được cho cuộc sống sau này của bản thân. Ba còn là một doanh nhân, tuy không quá giàu sang nhưng ba cũng giúp gia đình tôi đủ ăn đủ mặc, ba rất thích chương trình đầu tư Shark Tank trên tivi và mong muốn một ngày nào đó ba sẽ có một vụ đầu tư ngoạn mục như vậy. Bằng một cách nào đó, ba đã nhìn trúng tôi để đầu tư, vậy là tôi bất đắc dĩ thành một start-up về lĩnh vực giáo dục đang xây dưng hồ sơ để gọi vốn từ phía ba mẹ. 

Tôi bỏ ngoài tai những ý kiến tiêu cực và âm thầm tìm hiểu, lên kế hoạch, chuẩn bị những tích lũy cho riêng mình. Tôi chăm học hơn rất nhiều để có được một điểm GPA (trung bình môn) tốt hơn, tôi tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa cả trong và ngoài trường, tôi học ngày học đêm để nâng cao khả năng tiếng anh và luyện thi IELTS (bài kiểm tra ngôn ngữ Tiếng Anh) để có thể đủ điều kiện đi du học và xin học bổng. 

Tôi tìm hiểu các loại hình đại học ở Mỹ không biết bao nhiêu giờ, tìm kiếm – đọc – sàng lọc – hỏi han – phân tích; tôi mò mẫm không chừa một Hội nhóm, diễn đàn nào về du học sinh Mỹ và các trường đại học bên đó. Tôi liên hệ, tìm gặp bất kỳ ai mà tôi biết là đã đi du học Mỹ để nghe những câu chuyện của họ và tìm ra một bức tranh thật nhất. Không có sự lựa chọn nào tốt nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất với chính tôi.

Cuối cùng, tôi chọn Đại học NorthEastern, một trong những trường top 50 của Mỹ, vì nhiều lý do: chi phí hợp lý, chương trình học phù hợp với ngành Máy tính mà tôi thích và quan trọng nhất là tôi xin được học bổng $8,000 mỗi năm tại trường và NorthEastern còn là trường Top 1 nước Mỹ về chương trình thực tập Co-op (thực tập hưởng lương) – điều mà tôi rất mong chờ và là điểm nhấn trong hồ sơ “gọi vốn” của tôi với ba mẹ để giảm thiểu chi phí du học.

Trong buổi “gọi vốn” trước cả nhà và cả ông bà họ hàng, tôi đã tự tin nói lên toàn bộ những gì mình đã chuẩn bị, bạn không thể hình dung được rằng tôi thậm chí còn phải phân tích tình hình tài chính của gia đình và nước Mỹ 5 năm trước và sau khi dự kiến tốt nghiệp. Tôi đã nhấn mạnh “con phải đi Mỹ trong năm nay vì chỉ chậm vài tháng nữa con có thể sẽ bị lỗ trong thương vụ này”.

Tôi đã đoán đúng khi chỉ sau khi tôi đóng đầy đủ tiền học, đồng đô la Mỹ tăng vọt 3% so với đồng Việt Nam vì giá trị tiền Việt Nam bị mất giá. Và trong 4 năm học Đại học, tôi có thể tham gia đến 3 kỳ thực tập hưởng lương, tiết kiệm hơn nửa tỷ cho ba mẹ; hơn nữa với ngành nghề máy tính thuộc nhóm STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ sư – Toán học) của tôi thì sẽ được ở lại Mỹ làm việc đến 3 năm. Theo như tính toán, sau 3 năm làm việc ở Mỹ này, tôi sẽ trả hết “số vốn” cho ba mẹ và có được một số vốn nhỏ cùng những kinh nghiệm làm việc cực kỳ quý báu của riêng bản thân tôi.

Tất cả những điều trên đã dẫn đến quyết định đầu tư góp vốn của Shark Daddy tức ba tôi và tôi còn nhận được khoản tài trợ nho nhỏ không hoàn lại từ ông bà rất thương người cháu trai duy nhất này. Kết thúc buổi “gọi vốn” đó, mẹ tôi đã không còn quá lo nghĩ, mà còn tặng tôi một cái áo khoác phao dài mà tôi rất yêu thích làm quà kỷ niệm, mẹ bảo:“bên đó lạnh và tuyết, chiếc áo khoác này là lời chúc của ba mẹ dành cho con, luôn luôn nhắc nhở con về ba mẹ, về gia đình, quê hương sẽ luôn đồng hành và là chỗ dựa cho con mãi mãi”

Một thương vụ vừa thất bại vừa thành công

Không có ai kinh doanh mà luôn luôn thắng lợi, luôn có những khó khăn thất bại mà bạn không thể nào ngờ đến. Với tôi, đó chính là đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến toàn bộ Thế giới và nước Mỹ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tâm lý chủ quan của người dân. Điều này buộc tôi phải trờ về Việt Nam trong khi còn đến 2 năm làm việc ở Mỹ, cũng nhân dịp này để ôn lại kỷ niệm xưa và thăm gia đình. 

Trong suốt thời gian học tập ở Mỹ, tôi chỉ về thăm gia đình có một lần vào mùa hè năm thứ 2 và cũng là để tranh thủ tham gia chương trình thực tập hưởng lương online. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng về mặt tài chính, khi sang Mỹ tôi vẫn tranh thủ làm rất nhiều việc làm thêm cả online và trực tiếp để trang trải tiền chi phí sinh hoạt. Ngoài ra còn phải đối mặt với áp lực học khủng khiếp, nếu người bản địa nỗ lực 1 thì tôi phải nỗ lực 10, tôi có những giai đoạn triền miên chỉ ngủ được 2 tiếng/ ngày, học đến phát ốm là có thật.

Khó khăn là thế nhưng những gì tôi gặt hái được lại không thể đong đếm vì những kinh nghiệm xương máu, những áp lực vô hình đã tạo nên một hành trang thật vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần cho bản thân tôi. Tôi học được tinh thần tự giác, chăm chỉ làm việc, chịu khó chịu khổ, ăn uống lành mạnh, vượt qua nỗi cô đơn. Tôi đi làm và tiết kiệm được một khoản kha khá và đã trả gần xong cho ba mẹ. Quan trọng hơn hết, những kiến thức tuyệt vời, kinh nghiệm học tập và làm việc mà tôi có được trong 4-5 năm ở Mỹ này sẽ là một khoản vốn vô cùng đáng quý cho tương lai của tôi sau này. 

Tôi rất mong chuyến bay sớm hạ cánh để dược gặp ba mẹ, nhìn vào họ và nói “ba mẹ, khoản lời của ba mẹ về rồi đây”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • BẢN ĐỒ

  • FANPAGE