ESPORT - NGÀNH CÔNG NGHIỆP TOÀN CẦU TRỊ GIÁ TỶ ĐÔ - ansedu

ESPORT – NGÀNH CÔNG NGHIỆP TOÀN CẦU TRỊ GIÁ TỶ ĐÔ

Đã hơn 20 năm trôi qua từ lúc máy tính và Internet mới bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam, kể từ đó, xã hội và nhiều mặt của xã hội đã phát triển song hành với nhau – ngoài đời thực và trên online. Đã qua rồi cái thời các bậc phụ huynh cứ thấy con em mình chơi game, chơi máy tính, chơi net, online là ngăn cấm cho bằng được, thậm chí dọa nạt, đánh, mắng vì thấy vô bổ, tốn thời gian.

Giờ đây, những game thủ, những streamer, youtuber,… với tuổi đời còn rất trẻ đã có thể kiếm tiền dựa trên việc chơi game, nói chuyện online, làm video,…và có mức thu nhập mơ ước là hàng tỷ đồng trong tay. Vậy các bậc phụ huynh và các em học sinh nghĩ sao về sự thay đổi của thời đại này? Hãy cùng Du Học ANS tìm hiểu về vấn đề này và biết đâu bài viết sẽ mở ra một cánh cửa tươi mới cho tương lai của một bộ phận giới trẻ sau này?

I. Việt Nam và Thế giới trước ngưỡng cửa của một ngành công nghiệp mới:

– Năm 2020, lượng người chơi eSport tại Việt Nam là khoảng gần 30 triệu người, tức là gần bằng 1/3 dân số Việt Nam, cứ 3 người xung quanh bạn thì có 1 người sẽ chơi game eSport trên điện thoại hoặc máy tính.

– Đến giữa năm 2020, đã có 3,1 tỷ ngưởi chơi game trên toàn Thế giới, có nghĩa là, với 7,8 tỷ người trên Thế giới hiện nay, 40% dân số đang chơi game theo một cách nào đó, phát triển nhất chính là eSport trên máy tính và điện thoại.

– eSports nay đã trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu và bắt đầu cạnh tranh với giải đấu thể thao truyền thống. Hàng trăm giải đấu lớn nhỏ được tổ chức mỗi năm với quy mô toàn cầu, thu hút hàng chục triệu lượt khán giả mỗi giải. eSport thậm chí trở thành môn thi đấu có huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) tại Philippines vào tháng 11/2019. Và eSports tiếp tục nằm trong danh sách những nội dung tranh huy chương tại SEA Games 2021 trên đất Việt Nam ta.

– Những tên tuổi lớn, chẳng hạn siêu sao game “Fortnite” Tyler Blevins (thường được biết đến là “Ninja”) có thể kiếm hàng triệu USD từ tiền thưởng và các thỏa thuận trên livestream, không kém gì những ngôi sao ở môn truyền thống như golf hay tennis.

– Phong trào xem và tổ chức giải đấu cũng phát triển vũ bão. Theo số liệu do Garena và Tencent cung cấp, riêng trong Arena Of Valor World Cup 2019 (AWC 2019) tổ chức tháng 7.2019 tại Việt Nam, số người xem cao nhất trong cùng thời điểm đã đạt đến con số 850.000 người. Ngoài ra, lượng người xem tích lũy trong suốt 8 ngày phát sóng (từ vòng bảng đến chung kết) cũng đạt hơn 74,5 triệu người xem, tăng 126% so với cùng kỳ năm 2018. Đến năm 2020, do tác động của đại dịch Covid, cả Thế giới ở nhà, con số này càng tăng đến mức chóng mặt hơn nữa.

– Do ai ai cũng sở hữu điện thoại, máy tính bảng hoặc PC nên xu hướng giải trí dịch chuyển về game hay eSport là tất yếu. Không đòi hỏi thể chất đặc biệt, được chơi mà vẫn là một nghề, đó chính là sức hút của eSport.

– Hãy nhìn vào Team Flash sau chức vô địch AWC 2019 vừa qua, họ nhận được khoản tiền thưởng khổng lồ lên đến 4.6 tỷ, mang vinh quang về cho tổ quốc cùng sự nổi tiếng và lượng fan hâm mộ vô cùng hùng hậu. Đó chắc hẳn là những thứ mà mọi game thủ đều thèm muốn.

– Ủy ban Quốc tế Olympic 2017 đã thừa nhận sự hiện diện của eSports và kết luận rằng trò chơi điện tử có thể được coi là hoạt động thể thao khi người chơi được luyện tập và chuẩn bị với cường độ nhiều tương đương vận động viên thể thao truyền thống.

– Năm 2013, Danny ‘Shiphtur’, Cầu thủ huyền thoại người Canada đã trở thành game thủ chuyên nghiệp đầu tiên nhận được visa P-1A của Mỹ dành cho vận động viên quốc tế. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cấp giấy phép phân hạng game thủ chuyển nghiệp. Năm 2016, Pháp bắt đầu các dự án nhằm từng bước hợp pháp hóa eSports. Philippines cũng cấp giấy phép cho người chơi Filipino eSports tháng 7/2017. Và hàng loạt các giải đấu eSports cũng được tổ chức trong nhiều sự kiện thể thao truyền thống.

II. eSport trở thành một môn học được giáo dục, cấp bằng và có học bổng chính thức,:

– Hẳn đây là thông tin thú vị nhất với các game thủ. Các trường đại học và cao đẳng trên toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ và Hàn Quốc – nơi đang phát triển các chương trình dành cho game thủ muốn phát triển ‘sự nghiệp cày game’ lên mức chuyên nghiệp. Một số viện đại học và cao đẳng tên tuổi đã bắt đầu đưa ra các gói học bổng giá trị dành cho game thủ với mong muốn thế hệ game thủ thành công và nổi tiếng sẽ góp phần quảng bá cho trường.

– eSports đang trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. Chính phủ nước này đã bắt đầu ủng hộ các phong trào chơi game chuyên nghiệp từ năm 2000, và đã có những thành công trong nhiều giải đấu eSports. Đại học Chung-Ang, trường đại học top 10 của Hàn Quốc là một trong nhiều trường cung cấp học bổng cho eSports có giá trị lớn.

– ESports cũng đã được thêm vào một số chương trình trung học ở Hàn Quốc, Thụy Điển và Phần Lan. Trường Garnes Vidaregåande Skule ở Bergen, Na Uy cũng đã chọn dạy eSports như một môn thể thao chính thức.

– Đại học Staffordshire bắt đầu cung cấp các khóa học đào tạo cử nhân và thạc sỹ cho thể thao điện tử từ năm ngoái. Ở đó, sinh viên chủ yếu được học kỹ năng marketing và quản lý với những yếu tố đặc thù của eSports. Chương trình học này sẽ được mở rộng trên khắp London vào năm sau với sự hưởng ứng từ những cơ sở giáo dục có tiếng khác, trong đó phải kể đến Đại học Chichester.

– Tại châu Á, nơi chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thể thao điện tử, nhiều trường ở Trung Quốc và Singapore cũng đã cung cấp các khóa học tương ứng.

– Không chỉ trường đại học, hơn 100 trường trung học ở Mỹ cũng áp dụng thể thao điện tử vào chương trình dạy của mình. Tại đây, ngoài các đội thể thao truyền thống, còn có đội thể thao điện tử chính thức được trường tài trợ. Các trường đại học ở Mỹ như Đại học California cũng áp dụng chính sách học bổng cho vận động viên eSports như một cách để lôi kéo tài năng.

– Đại học Becker vừa chính thức ra mắt chương trình đạo tạo cử nhân cho ngành quản lý thể thao điện tử, “eSports không còn là những trò chơi mà bọn trẻ suốt ngày ru rú trong phòng để chơi lén nữa. Những vận động viên hàng đầu của eSports hiện còn kiếm được nhiều tiền hơn những vận động

viên ở các môn thể thao truyền thống khác như golf hay tennis”, Alan Ritacco, Trưởng khoa Thiết kế và Công nghệ của Đại học Backer, nhận định.

– Các cựu game thủ chuyên nghiệp cũng được mời để giảng dạy. Đại học Chichester thuê Rams Singh (được biết dưới tên R2K) về làm giảng viên chính cho những khóa học liên quan đến FIFA hay Liên Minh Huyền Thoại.

– Đại học Ohio cũng đang bắt đầu những chương trình học về nghiên cứu ứng dụng game và thể thao điện tử vào y tế, dược phẩm. Các chương trình học cấp bằng về eSports này có giá khoảng 11.000 USD/năm ở Anh và 36.000 USD/năm ở Mỹ.

Ngày càng nhiều học bổng eSport

– Robert Morris University là trường đại học đầu tiên ở Mỹ cung cấp các học bổng cho trò chơi điện tử lên đến 19,000 đô la mỗi năm. Các game thủ của Robert Morris University eSports cũng có đồng phục đội và các chế độ ăn sau mỗi trận đấu giống như các đội thể thao truyền thống khác.

– Harrisburg University ở Pennsylvania, Hoa Kỳ mới vừa trao 16 suất học bổng toàn phần cho các sinh viên xuất sắc trong các trò chơi Hearthstone, League of Legends, và Overwatch.

– Học bổng eSports của Ashland University có mức hỗ trợ lên đến 4,000 USD, hiện đang tập trung vào các game thủ của trò League of Legends và Overwatch và sẽ sớm được mở rộng đến người chơi Fortnite.

– Harrisburg, Robert Morris và Ashland đều là nằm trong số 63 trường thành viên của Hiệp hội Esport Quốc gia ở cấp Đại học (NACE) tại Mỹ.

– Viện Rochester Institute of Technology (RIT) ở New York sỡ hữu chương trình Thạc sĩ Thiết kế và Phát triển Game danh giá bậc nhất ở Mỹ và cũng có một số học bổng cho các cá nhân xuất sắc.

– Nhiều chương trình học bổng esport ngắn hạn cũng được cấp cho sinh viên, phần lớn là từ các trường ở Mỹ như Emagination Game Design cung cấp cho các game thủ ở trường trung học cơ hội tham gia vào một chương trình giáo dục thiết kế game mùa hè chuyên sâu qua chương trình học bổng của Emagination’s Rick Goodman. Hay chương trình hội thảo mùa hè về thiết kế trò chơi điện tử của trường University of Southern California (USC) tạo cơ hội cho các nhà thiết kế game một cơ hội để phát triển trong ngành công nghiệp game bằng cách tham gia thi đấu tại Hội trại giải trí mùa hè USC.

Học bổng eSport cho nữ

– Một số học bổng đặc biệt hướng tới nữ giới nhằm tăng cường sự tham gia của giới này trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Phụ nữ chỉ chiếm 22% nhân sự trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử với các vị trí như phát triển game, thiết kế game, nghệ sĩ, lập trình viên, v.v…Một vài số liệu thống kê chỉ ra rằng eSports chỉ có khoảng 10% là nữ và đến 90% là nam. Trong 129 người chơi Overwatch League, chỉ có duy nhất một phụ nữ, Seyeon ‘Geguri’ Kim, chiến 0.78%.

– Southern Methodist University – Guildhall (SMU) đưa ra một chương trình học bổng dành cho nữ giới khi đăng ký tham gia các chương trình thiết kế trò chơi. Stephens College – Missouri, Mỹ là một trong các trường đại học đầu tiên có đội eSports nữ và cũng có nhiều học bổng cho nữ giới trong ngành này.

 

III. Học eSport có nhất định phải làm game thủ:

– Cần nhấn mạnh rằng, các ngành học liên quan đến eSports không đơn thuần chỉ ngồi chơi game. Mọi người không hề biết đến những con người vận hành phía sau ngành công nghiệp eSports, học về quản lý eSports không khác mấy so với học về quản lý thể thao.

Streamer

– Streamer đang là một nghề thời thượng bậc nhất hiện nay, có thể kể tên vô số những người đã cực kì thành công với nghề livestream-game này: Pewpew, Viruss, MisThy… Sáng tạo trong sản xuất nội dung, định hình được đối tượng khán giả, hiểu được thị hiếu của người xem cộng thêm chút duyên dáng thì bạn chắc chắn sẽ thành công với nghề này.

– Nguồn thu nhập của streamer đến từ khá nhiều nguồn: tiền lương livestream độc quyền trên các nền tảng Facebook Gaming, CubeTV, NimoTV… tiền donate từ người hâm mộ, tiền quảng cáo… Đây là một nghề không dễ cũng chẳng khó nhưng để thực sự thành công với nghề streamer là cả một quá trình. Và nếu bạn làm đủ tốt, mỗi tháng streamer có thể kiếm được con số lên tới hàng trăm triệu đồng đấy.HLV Esports

– Là nghề đòi hỏi chuyên môn cao nhất của game cũng như esports, HLV không cần chơi game giỏi nhưng phải là người có kiến thức sâu rộng, tư duy chiến thuật về trò chơi. Không chỉ vậy HLV còn là người cùng ăn ngủ, luyện tập cũng như truyền lửa cho các game thủ để họ có tinh thần và tâm lí tốt nhất cho từng trận thi đấu. Đây là công việc rất khó và kén người, tuy nhiên nếu đủ đam mê và bỏ nhiều thời gian tìm hiểu sâu thì câu chuyện trở thành HLV Esports chuyên nghiệp cũng không phải là không có khả năng.

Caster – Bình luận viên Esports

– Các giải đấu Esports tại Việt Nam đang liên tục được tổ chức và người truyền tải những trận đấu hay, hấp dẫn chính đến mọi người chính là đội ngũ những BLV Esports. Đây là công việc đòi hỏi chất giọng và khả năng ăn nói lưu loát để có thể truyền tải được những gì hấp dẫn nhất, tinh túy nhất của trận đấu cho người xem. Bên cạnh đó BLV cũng đòi hỏi trình độ chuyên môn về game để có có thể phân tích tình huống, đọc giao tranh… Hiện nay số lượng BLV Esports tại Việt Nam còn khá ít và thông tin tuyển dụng BLV liên tục được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. Đây cơ hội lớn cho nhiều bạn trẻ muốn thử sức với môi trường Esports chuyên nghiệp.

Phóng viên, BTV tin tức Esports

– Phóng viên Esports là người viết tin, bài về game cũng như Esports – đây là một lựa chọn khá phù hợp cho những game thủ có khả năng viết lách, hiểu biết về game cũng như cộng đồng game thủ. Tuy vậy nhưng đây cũng là một việc khá kén người bởi giới game thủ không nhiều người có khả năng viết lách quá xuất sắc. Khi đã trở thành một phóng viên Esports thì ngoài việc viết tốt thì còn phải khai thác đề tài, theo dõi cộng đồng…

Làm việc cho công ty games

– Có rất nhiều công việc trong công ty game mà bạn có thể thoải mái chơi game cũng như kiếm tiền từ công việc này: Làm admin của trò chơi, admin fanpage, nghiên cứu, dịch thuật để đưa các tựa game nước ngoài về Việt Nam… Theo đuổi những công việc này bạn có thể chơi game cũng như giao lưu cùng cộng đồng game thủ rất đông đảo tại Việt Nam hiện nay.

– Hơn nữa còn rất nhiều công việc cần một lượng lớn nhân sự với mức lương cao trong ngành này như là: giám đốc điều hành, quản lý team, điều phối viên, mạng xã hội, tìm nhà tài trợ, thiết kế đồ họa, chỉnh sửa video, IT,….

IV. Một vài con số thú vị về ESport:

– Giải The International của game DOTA2 có giá trị giải thưởng lên đến 34 triệu USD

– 100.000.000 người chơi game FreeFire trong cùng một ngày, tức là đông hơn dân số Việt Nam trong năm 2020. Lưu ý đây là con số chơi trong một ngày.

– Game thủ SofM trong bộ môn Liên Minh Huyền Thoại có mức thu nhập 5,5 tỷ đồng/ tháng, khoảng 65,7 tỷ đồng/ năm

– Team Flash trong game Liên Quân Mobile chỉ trong 2 năm từ 2019-2020 đã kiếm về khoảng 20 tỷ chỉ bằng tiền thưởng các giải đấu họ tham gia, chưa kể các khoản tài trợ, thưởng, đại sứ thương hiệu, quảng cáo, livestream,.. “Đấu Trường Danh Vọng” năm 2021 sẽ có quỹ tiền thưởng và hỗ trợ toàn diện cho các vận động viên với giá trị lên tới 12 tỷ đồng, thuộc hàng cao nhất Việt Nam.

– Kuro ‘KuroKy’ Takhasomi và Amer ‘Miracle-‘Al-Barkawi’ chơi Dota 2 chuyên nghiệp và từng kiếm được hơn 3 triệu đô la tiền thưởng. Ngoài ra, các game thủ chuyên nghiệp còn có thêm thu nhập từ tiền đóng quảng cáo, huấn luyện, đầu tư, hoặc ghi hình chơi game live-stream trên các trang như Twitch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • BẢN ĐỒ

  • FANPAGE